Hôm thứ Ba, quân đội Hàn Quốc thông báo Triều Tiênđang tiến hành cuộc tập trận pháo binh quy mô lớn.
Một quan chức Triều Tiên cảnh báo rằng đó là "đòn trừng phạt tàn bạo" dành cho "những kẻ hiếu chiến điên cuồng" tại Mỹ và những bên khác.
Lời hăm dọa này không có gì mới mẻ nhưng lần này, nó khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng hơn.
Cuộc tập trận pháo binh được tổ chức để kỷ niệm 85 năm ngày thành lập lực lượng quân đội Triều Tiên.
Chưa đầy 2 tuần trước đó, Bình Nhưỡng đã tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo (nhưng thất bại) và tổ chức duyệt binh quy mô lớn để kỷ nhiệm 105 năm ngày sinh của cố chủ tịch Kim Nhật Thành.
Tại cuộc duyệt binh hôm 15/4, Triều Tiên đã trưng bày nhiều tên lửa mới. Trong số này, người ta cho rằng có ít nhất một loại tên lửa là mô hình, song mọi chuyện chưa dừng lại ở đây.
Một số chuyên gia cho biết, họ còn phát hiện ra nhiều thứ "đồ giả" khác nữa.
Theo nhà báo Alex Diaz của hãng tin Fox News, bằng cách quan sát kỹ lưỡng, hình ảnh một số binh sĩ tham gia duyệt binh cho thấy những tên lửa của Triều Tiên không phải là thành phần duy nhất chưa sẵn sàng chiến đấu.
"Cuộc duyệt binh này nhằm mục đích gửi đi thông điệp hơn là cho thấy hiệu quả chiến đấu" - Michael Pregent, một cựu sĩ quan tình báo quân đội với 28 năm kinh nghiệm trong các cuộc xung đột xảy ra tại khắp nơi trên thế giới và hiện đang là cộng sự tại Viện Hudson ở thủ đô Washington (Mỹ), nhận định.
Ông Pregent đã quan sát một vài bức ảnh chụp binh sĩ Triều Tiên trong cuộc duyệt binh hôm 15/4 và bắt đầu tìm kiếm những điểm bất thường ở họ. Dưới đây là một số phát hiện mà ông chia sẻ với bộ phận điều tra của Fox.
Biệt kích hay tranh biếm họa?
Ảnh: AP
Một trong số các bức ảnh đáng chú ý nhất trong cuộc duyệt binh của Triều Tiên là lực lượng đặc nhiệm mang theo những khẩu súng với thiết bị lạ giống như ống phóng lựu.
Theo ông Pregent, đó thực chất là băng đạn xoắn dạng ống trụ, có khả năng mang theo ít nhất 100 viên đạn. Song, nó được cho là không mấy hiệu quả.
Ngoài ra, ông Pregent nghi ngờ liệu những khẩu súng này có thực sự được nạp đạn hay không. bởi công nghiệp sản xuất đạn vẫn là một vấn đề lớn đối với Bình Nhưỡng.
Ảnh: AP
Không chỉ những khẩu súng làm dấy lên nhiều câu hỏi, mà ngay cả những thiết bị khác trên người đặc nhiệm Triều Tiên cũng khiến họ như đang trình diễn thời trang.
Theo ông Pregent, loại kính mát mà họ đeo trông giống như kính râm thông thường, thay vì loại bao quanh và bảo vệ mắt chuyên dụng của đặc nhiệm. Thậm chí, đôi găng tay hở ngón mà một số binh sĩ mang theo cũng mang tính chất trình diễn mà thôi.
"Một số binh sĩ nước chúng ta (Mỹ) cũng trang bị loại găng tay này (hở ngón), nhưng phần lớn các binh sĩ thường đeo găng tay kín ngón do nhiệt tỏa ra từ nòng súng sau khi bắn, chưa kể đến khả năng chịu lửa" - ông Pregent nói.
"Đạn lựu giả"
Ảnh: AP
Ảnh: AP
Một thiết bị khác thu hút sự chú ý trong cuộc duyệt binh của Triều Tiên là những quả đạn lựu quá khổ, với hình dạng và màu sắc khác nhau, gắn ở đầu các khẩu súng mà binh sĩ nước này mang theo.
Pregent cho rằng chúng trông "thật tức cười".
"Nếu quan sát, các vị có thể thấy miếng nhựa ở mũi quả đạn" - ông Pregent nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nghi ngờ những khẩu súng mạ bạc mà một số binh sĩ Triều Tiên mang theo cũng là giả.
"Saddam từng có những khẩu súng lục mạ vàng nhưng ngay đến ông ta cũng sẽ không trao chúng cho quân lính của mình, vì thế những khẩu súng này (của Triều Tiên) nhiều khả năng là sơn màu bạc" - ông Pregent nói.
Ảnh: AP
"Hàng giả", nhưng vẫn có lý do để sợ
Có rất nhiều nghi vấn xung quanh năng lực của Triều Tiên, như hiệu quả tác chiến trên bộ, các loại tên lửa đạn đạo và thậm chí năng lực hạt nhân.
Tuy nhiên, giới chuyên gia đồng tình rằng các đơn vị pháo binh tham gia cuộc tập trận tuần này đang tạo ra mối nguy hiểm rõ ràng đối với các đồng minh của Mỹ.
Các hệ thống pháo Triều Tiên khai hỏa trong cuộc tập trận quy mô lớn. Ảnh: KCNA
George Friedman, người sáng lập website Geopolitical Futures cho rằng, nếu bắn vào Seoul, những đơn vị pháo binh của Triều Tiên sẽ gây ra một cuộc tàn sát khủng khiếp.
Theo ông Friedman, tiêu diệt toàn bộ các đơn vị pháo binh đó "không hề là một việc dễ dàng và không thể giải quyết trong cuộc tấn công 1 ngày".
Đồng quan điểm này, ông Pregent nêu bật một vấn đề quan trọng: "Họ có năng lực quân sự chính đáng với lực lượng pháo binh - vậy tại sao lại phải giả vờ ở những phương diện khác?"
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét